Lĩnh lương của chồng đã mất thế nào? kể về hành trình đi lãnh lương của chồng tôi sau khi anh ấy mất. Hành trình đi lĩnh lương của chồng đã mất không hề đơn giản, mất rất nhiều công sức, thời gian và nhiều kỉ niệm sâu sắc mà khó có thể quên. Nay tôi xin kể lại cho các bạn nghe nhé.
Mở đầu: Lĩnh lương của chồng đã mất thế nào?
NGUYÊN TẮC GIỜI ƠI
Chồng tôi công tác tại cơ quan nhà nước cấp huyện. Lương hàng tháng trả qua thẻ ngân hàng AGRIBANK. Thẻ này chỉ được hạn 3 năm là phải đổi thẻ. Trong thời gian hết hạn thì anh ấy ốm liệt giường không thể đi đổi thẻ được và không dùng Internet Banking. Lương vẫn rót vào tài khoản nhưng thẻ thì hết hạn nên tiền thì không rút được nữa. Một tháng sau thời điểm thẻ hết hạn thì anh ấy mất, khi ấy tiền lương trong tài khoản còn 9 triệu đồng.
Sau 3 tháng, lo công việc cho chồng, ổn định cuộc sống gia đình, lúc đó tôi mới mang thẻ hết hạn đến gặp ngân hàng thì được Giám đốc ngân hàng hướng dẫn làm đơn và sang bên công chứng hỏi thêm thủ tục. Tôi lại đến phòng công chứng, họ hướng dẫn là phải đưa bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ, những đứa con của chúng tôi đến phòng công chứng đồng thời mang chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của những người liên quan đến hàng thừa kế để làm cam kết không nhận tiền thừa kế (phần lương trong tài khoản của chồng tôi được coi thành tài sản thừa kế, nên trong các hàng thừa kế phải phải làm đơn xác nhận không lấy phần thừa kế này), rồi mang hợp đồng đó ra ngân hàng để rút 9 triệu tiền lương của chồng tôi.
Phần 2: Khó khăn khi lĩnh lương của chồng đã mất thế nào?
Tưởng làm giấy tờ đơn giản nhưng khi đi làm thủ tục lĩnh lương của chồng đã mất thế nào mới lại nảy sinh nhiều vấn đề. Bản thân tôi lúc đầu tiếc 9 triệu nên cũng cố đi làm giấy các bên, đi sang bên ngoại xin chữ ký bố mẹ mình, làm giấy chờ các con về ký, về ông bà nội làm giấy tờ. Nhưng khi làm thì mới phát hiện các vấn đề về sai thông tin CMND với Sổ hộ khẩu, CMND ông bà hai bên đều đã hết hạn. Đi đi đi lại bốn bên, tám hướng cũng hết sức vất vả và mất thời gian.
Chỉ nghĩ thôi cũng đủ ngao ngán rồi. Này nhé, bố mẹ đẻ năm ấy 85 tuổi sức khoẻ không tốt lắm, quê xa ở khác tỉnh, Sổ hộ khẩu và chứng minh thư không khớp tuổi nhau. Nếu đi làm hộ khẩu theo CMND cho hợp lệ và thuê xe đi, về cũng mất vài triệu đồng.
Về nhà bố mẹ chồng thì còn khó khăn hơn thế. Bố mẹ chồng năm đó đã 93, 94 tuổi rồi, sức khoẻ cũng không hơn gì bố mẹ đẻ, hộ khẩu và CMND cũng không khớp tuổi, hơn nữa chứng minh thư đều đã hết hạn, không còn giá trị chứng minh nhân thân. Nên giờ có làm cũng phải làm dịch vụ cả việc thay CMND hai ông bà, điều chỉnh thông tin trong chứng minh và hộ khẩu khớp nhau, tính ra vài triệu đồng nữa.
Đi mấy lượt không xong được giấy tờ nên tôi ra trình bày bên Phòng công chứng. Nghe xong, họ bảo: Nếu ông bà không đi được thì chúng tôi có dịch vụ đến tận nhà làm giấy tờ cho ông bà. Ngồi tính đi tính lại nếu trừ chi phí ba khoản vài triệu để rút được 9 triệu đồng thì có lẽ phải bỏ tiền túi ra thêm. Khó khăn chồng chất khó khăn, tôi quyết định là thôi bỏ 9 triệu đó ở ngân hàng, không rút về nữa.
Vì các thủ tục không thể làm được, tôi đem câu chuyện và quyết định của mình nói với lãnh đạo của đơn vị chồng tôi. Đồng chí lãnh đạo gọi điện và gặp trực tiếp Giám đốc ngân hàng cấp huyện và được trả lời là chịu, không thể giải quyết được, nguyên tắc là nguyên tắc.
Đoạn kết Hành trình lĩnh lương chồng đã mất thế nào?
TÌNH NGƯỜI VÀ SỰ CẢM THÔNG
Tin rằng sẽ không rút được số tiền lương trong thẻ hết hạn của chồng, nên quyết định từ bỏ tôi thấy thanh thản không suy nghĩ gì nữa.
Sau đó vài tuần thì bất ngờ nhận được cuộc điện thoại: Chị ra Ngân hàng lấy tiền lương cho anh ấy đi, thủ tục chỉ cần đơn của chị và xác nhận của lãnh đạo huyện là được. Tôi cầm đơn có chữ ký của lãnh đạo huyện ra ngân hàng lĩnh hết tiền và nộp lại thẻ nhanh chóng vô cùng.
Tôi hỏi sao lại dễ dàng thế, lúc trước khó khăn lắm mà. Mọi người cười bảo: Khi đồng chí kế toán trưởng biết chuyện, đã trực tiếp can thiệp gọi cho giám đốc ngân hàng yêu cầu phải giải quyết việc này đơn giản và thuận tiện cho người nhà của cán bộ đã khuất. Thế là tôi đã lĩnh được số tiền trên. Trong lòng cảm thấy được an ủi và sẻ chia tình người giữa mọi người với nhau. Tôi không hề nhờ nhưng đơn vị chồng mọi người đều cố gắng hết lòng giúp đỡ. Đồng chí Kế toán trưởng khi biết chuyện cũng bớt thời gian để giúp mọi chuyện thuận lợi hơn.
Quả thật, cứ sống ăn ở hiền lành, tử tế rồi sẽ được trời thương và mọi người giúp. Từ nguyên tắc giời ơi ban đầu đến kết hành trình, tuy không dài nhưng cũng để lại nhiều ấn tượng và nhiều điều suy nghĩ trong tôi. Các bạn có thấy đồng cảm và có ý kiến gì chia sẻ cùng tôi không. Để lại dưới bình luận chúng ta cùng trao đổi nhé.
Trên đây là Lĩnh lương của chồng đã mất thế nào? của tôi, các bạn có thể xem thêm: