DẠY CHÁU HỌC HOÁ
Chả là năm 1992 tôi đẻ em bé ngồi nhà chăm con, cũng năm đó cháu tôi học lớp 8 ở quê. Lớp học chỉ có 15 em. Khi lên lớp 9 thì các bạn nghỉ hết còn 8 bạn. Lúc này lớp không đủ học sinh, các thầy cô ở trường động viên các con đi xin học ở các trường khác. lúc đó cháu tôi bảo chú thím xin cho cháu lên học gần chỗ nhà chú thím ở, thế là cháu đem học bạ, sách vở lên nhà tôi để xin vào lớp 9 trường mới. Tôi không phải là giáo viên, nhưng kiến thức cơ bản về toán, lý, hoá hồi phổ thông tôi nắm rất vững. Tôi xem học bạ thấy điểm tổng kết của cháu 3 môn Toán, Lý, Hoá đều trên 8,5 . Tin tưởng là cháu học tốt nên tôi có một bài cẩm nang hoá trị hoá học, tôi bảo : Thím đọc cho cháu chép lại để cháu học thuộc nhé . Tôi đọc Ka li, I ốt, Hidro, Thấy cháu chép mãi không xong, tôi ngó vào sách thì thấy cháu chép chính tả, tôi hỏi : sao không dùng các ký hiệu hoá học, cháu ngây thơ hỏi lại : Thế ký hiệu hoá học là gì hả thím. Tôi thấy kiến thức gốc cháu bị hổng, thế là thôi, không chép bài ca hoá trị nữa mà đi học thuộc các ký hiệu hoá học, nguyên tử lượng, tính chất hoá học của các chất. cứ đọc đến đâu thì viết tới đó ví dụ Ba giơ tác dụng với a xít tạo thành muối và nước. Cháu lại hỏi : Ba giơ là gì, a xít là gì, muối là gì tôi đã chỉ tỉ mỉ cụ thể…..và cứ thế cháu tôi dần dần đã hiểu các vấn đề về hoá học, trong thời gian mấy ngày chờ đợi tôi hướng dẫn cháu viết các phản ứng, cân bằng phương trình hoá học và làm những bài toán đơn giản kết hợp với việc cháu cũng học nhanh, hiểu nhanh nên cũng không vất vả lắm để hướng dẫn cháu. Thế là cháu vững tin học lớp 9 và các năm tiếp theo. Khi thi Đại học cháu đạt điểm thi 9,75 môn hoá học. Và cũng nhờ kinh nghiệm dạy cháu mà tôi lại được ôn lại kiến thức khá nhiều và đó là kinh nghiệm quý báu để tôi truyền đạt, hướng dẫn cho con gái tôi sau 13 năm sau đó năm 2005.
Cũng với kiến thức và phương pháp truyền đạt đó cháu đã hướng dẫn các em của cháu không bị mất gốc môn Hoá học. Đến bây giờ cháu đã có con học đại học năm 2 cháu vẫn nhắc lại chuyện học hoá cùng Thím năm đó và cháu chốt một câu : Thím giỏi, nhớ lâu và chịu khó thật đấy
Đúng như nhận xét của các bậc cao nhân: Không có trẻ em dốt, chỉ chưa có phương pháp học đúng mà thôi